Sau trận đấu Chung_kết_môn_Bóng_đá_tại_Đại_hội_Thể_thao_Đông_Nam_Á_2023_–_Nam

Indonesia đã giành tấm huy chương vàng SEA Games thứ ba trong lịch sử ở môn bóng đá nam và là tấm huy chương vàng đầu tiên từ sau chức vô địch trước chính Thái Lan vào năm 1991, chấm dứt cơn khát danh hiệu của họ trong suốt 32 năm. Đây là chiến thắng đầu tiên của Indonesia kể từ khi môn bóng đá nam tại SEA Games trở thành cuộc thi theo nhóm tuổi vào năm 2001, giúp cho họ vươn lên cân bằng với Việt Nam về số lượng huy chương vàng bóng đá nam ở tất cả các kỳ Đại hội từ năm 1959 (đều có 3 huy chương vàng),[27] xếp sau Thái Lan (16 lần), Malaysia (6 lần) và Myanmar (5 lần). Indonesia cũng trở thành quốc gia thứ tư vô địch bóng đá nam SEA Games với thành tích toàn thắng (sau Myanmar các năm 19671973, Malaysia năm 1989, Thái Lan các năm 1993, 2001, 2005, 20072015) và là quốc gia thứ hai làm được điều này kể từ năm 2001.

Đối với Thái Lan, thất bại trước U-22 Indonesia đã đánh dấu lần thứ ba liên tiếp họ không thể giành được tấm huy chương vàng ở môn bóng đá nam, lần đầu tiên kể từ năm 1991. Cùng với việc đội tuyển nữ nước này thất bại lần thứ 4 liên tiếp trong việc tìm kiếm huy chương vàng, đây tiếp tục là một kỳ SEA Games thất bại đối với nền bóng đá hàng đầu khu vực.[28] U-22 Thái Lan nói riêng và bóng đá nói chung trở thành những cái tên gây thất vọng nhất ở SEA Games 32, theo một khảo sát của Đại học Kasem (Thái Lan).[29] Trận chung kết này cũng đánh dấu lần đầu tiên đại diện Thái Lan để thủng lưới tới 5 bàn ở trận tranh huy chương vàng (trước đó họ chỉ để lọt lưới nhiều nhất 3 bàn, ở các kỳ Đại hội năm 1959 và 1969) và là trận thua đậm nhất với tỷ số cao nhất trong các trận chung kết SEA Games của Thái Lan.[30] Trong lịch sử tham dự của Thái Lan tại Đại hội, chỉ có một trận đấu khác họ để thua đến 5 bàn là trận gặp đội tuyển Việt Nam Cộng hòa tại bán kết năm 1967. Ngoài ra, U-22 Thái Lan cũng trở thành đội bóng nhận nhiều bàn thua nhất ở trận chung kết trong lịch sử môn bóng đá nam tại SEA Games.[30]

Với 14 thẻ vàng và 7 thẻ đỏ (trong đó có 2 thẻ đỏ gián tiếp),[5] trận đấu cũng đi vào lịch sử Đại hội với tư cách là trận đấu bóng đá có nhiều thẻ phạt nhất. Kỷ lục này thậm chí còn vượt qua cả kỷ lục về số thẻ phạt trong một trận đấu của World Cup, khi đã có đến 18 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ được rút ra trong trận đấu giữa Hà Lan và Argentina tại vòng tứ kết World Cup 2022.[31][32]

Ngay sau khi Indonesia giành được tấm huy chương vàng, một lượng lớn người hâm mộ tại quê nhà đã tập trung tại trung tâm thủ đô Jakarta để ăn mừng chiến tích của đội bóng. Các cổ động viên đổ ra đường đi bão trong khi reo hò, vẫy quốc kỳ và hát vang các bài ca chiến thắng,[33] thậm chí pháo sáng cũng đã xuất hiện trong bầu không khí cuồng nhiệt.[34] Sự hân hoan của người Indonesia tiếp tục được thể hiện vào sáng ngày 19 tháng 5, trong ngày đội tuyển U-22 Indonesia thực hiện một cuộc diễu hành sau khi trở về nước từ Campuchia.[35][36] Hàng vạn người đã vây kín chiếc xe buýt chở các cầu thủ Indonesia, làm cho nhiều tuyến đường ở thủ đô Jakarta bị tắc nghẽn hơn 2 giờ đồng hồ, chủ yếu ở khu vực xung quanh tòa nhà Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia và sân vận động Gelora Bung Karno.[37] Điều này đã khiến cho một số người dân tại đây cảm thấy không hài lòng vì lễ mừng công diễn ra trong ngày đi làm gây phiền nhiễu tới công việc và kế hoạch của họ.[38] Chiến thắng của U-22 Indonesia đã nhận được sự động viên và chúc mừng tới từ Tổng thống nước này Joko Widodo, thông qua tài khoản Twitter chính thức của ông.[39]

Chỉ trích

Trọng tài chính người Oman Al-Hatmi đã phải nhận nhiều chỉ trích bởi những quyết định và hiệu lệnh bị cho là khó hiểu.[40] Bàn thắng nâng tỷ số lên 2–0 của Indonesia đã gây tranh cãi về tính hợp lệ của nó, khi Rizky Ridho phất bóng dài cho đồng đội Sanata ở phía trên từ một pha thả bóng. Mặc dù bàn thắng của Sananta đã được công nhận theo Luật 8 của Luật bóng đá (bóng đã chạm đủ hai lần vào chân các cầu thủ Indonesia trước khi vào lưới),[41] song hậu vệ Jonathan Khemdee và huấn luyện viên trưởng Issara Sritaro của U-22 Thái Lan đều tố cáo phía Indonesia chơi bóng thiếu fair-play trong tình huống này, bởi trước đó khi cầu thủ của Indonesia bị chấn thương và phải rời sân, trọng tài đã cho dừng trận đấu trong lúc bóng không thuộc quyền kiểm soát của đội nào, và họ cho rằng bóng đáng lẽ phải được trả lại cho họ.[42][43] Ngoài ra, cầu thủ Khemdee cũng chê trách trọng tài Al-Hatmi đã không kiểm soát được trận đấu và nhiều lần mắc sai sót, gây ức chế cho cầu thủ hai đội và dẫn đến vụ ẩu đả.[43]

Bên kia chiến tuyến, huấn luyện viên trưởng Indra Sjafri của U-22 Indonesia đã chỉ trích việc ban huấn luyện và cầu thủ Thái Lan ăn mừng khiêu khích đã khiến trận đấu trở nên điên loạn.[44] Sjafri cho biết thêm, sau khi xảy ra ẩu đả, ông đã gọi tất cả ban huấn luyện và cầu thủ trở lại để nói chuyện và yêu cầu họ tập trung vào việc chơi bóng. Ông cũng tiết lộ cả hai đội đều đã gặp và xin lỗi lẫn nhau sau khi trận đấu khép lại.[45]

Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Campuchia (FFC), đơn vị tổ chức môn bóng đá tại Đại hội, tuyên bố từ chối nhận trách nhiệm về vụ việc.[46]

"Một trận chung kết xấu xí và hỗn loạn. Đây là cuộc đối đầu sẽ được ghi nhớ vì những quyết định sai lầm"

— Trang ESPN Asia nêu nhận định về trận chung kết SEA Games 32.[6]

Sự việc xảy ra trong trận chung kết đã thu hút sự quan tâm của truyền thông trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Tờ Marca (Tây Ban Nha) đăng tải lại video của vụ đánh nhau giữa U-22 Thái Lan với U-22 Indonesia và gọi đó là "vụ lộn xộn lớn nhất trong năm". Tờ này cũng nhận định những quyết định khó hiểu của trọng tài đã là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa cầu thủ hai đội.[47] Trang ESPN Asia khẳng định tấm huy chương vàng của U-22 Indonesia đã bị hoen ố bởi những cuộc đụng độ xấu xí: "...Chiến thắng này của U-22 Indonesia dường như không trọn vẹn. Thật đáng tiếc khi vinh quang của Indonesia, bộ mặt của bóng đá Đông Nam Á cuối cùng lại bị những cảnh tượng ô nhục làm hỏng, thay vì những màn trình diễn đẹp đẽ của một trận chung kết SEA Games hấp dẫn".[48]

Trận đấu cũng đã gây ấn tượng mạnh cho các cổ động viên Đông Nam Á với những ý kiến trái chiều. Ngoài những ý kiến cho rằng trận đấu diễn ra đầy kịch tính và giàu cảm xúc, thậm chí còn được so sánh là hấp dẫn hơn cả trận chung kết của World Cup,[49] một bộ phận người xem cũng để lại những bình luận chỉ trích về cuộc hỗn chiến. Những cảnh tượng bạo lực diễn ra trong trận đã khiến nhiều người hâm mộ ví von với một trận tranh đai vô địch trên sàn đấu UFC hay một cuộc đấu võ giữa Muay Tháipencak silat.[50]

Truyền thông

Trận đấu chung kết đã được phát sóng trực tiếp thông qua kênh truyền hình RCTI (en) của Indonesia,[51] cùng với TV Pool và T Sport 7 của Thái Lan. Mặc dù trận đấu này, cũng như tất cả các nội dung thi đấu khác tại Đại hội, đều được phía chủ nhà Campuchia miễn phí bản quyền phát sóng và hầu hết các nước trong khu vực được xem sự kiện này một cách miễn phí, một số nước (bao gồm Indonesia) lại đưa các nội dung này lên những nền tảng trả phí. Do đó, nhiều cổ động viên (chủ yếu là từ Indonesia) đã tràn sang các nền tảng phát sóng của các nước khác để theo dõi, đáng chú ý là kênh YouTube VTV Thể Thao của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Theo ghi nhận của trang Facebook ASEAN Football, đã có 2,5 triệu người theo dõi trực tiếp trận đấu trên kênh YouTube của đài này (lúc cao điểm nhất có tới 1,8 triệu người xem cùng lúc).[52] Cho đến chiều ngày 17 tháng 5, một ngày sau khi trận đấu khép lại, video trận đấu giữa đội tuyển U-22 Indonesia và U-22 Thái Lan trên kênh này đã tăng vọt đến hơn 14 triệu lượt xem, cao nhất trong tất cả các trận đấu bóng đá tại SEA Games 32 mà đài từng chiếu trên YouTube trước đó.[53][54]

Mặc dù bị tranh giành sự ảnh hưởng tại Indonesia, chương trình phát sóng trực tiếp trận chung kết của RCTI đã đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số lượt xem (rating) của ngày 17 tháng 5 với mức chia sẻ đạt 33,2%, theo báo cáo từ tài khoản Instagram indotvtrends.[55]

Kỷ luật

Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) đã thành lập một ủy ban điều tra tiến hành tìm hiểu kỹ sự việc và tuyên bố sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những người tham gia vụ ẩu đả.[56] Ba thành viên ban huấn luyện U-22 Thái Lan đã bị đình chỉ làm nhiệm vụ ở các cấp độ đội tuyển trong 1 năm, cùng hai cầu thủ Soponwit Rakyath và Teerapak Pruengna bị cấm thi đấu cho các đội tuyển quốc gia nước này trong vòng 6 tháng.[57] Giám đốc kỹ thuật kiêm trưởng đoàn U-22 Thái Lan Yuttana Yimkarun cũng đã quyết định nộp đơn từ chức sau sự việc.[58] Ủy ban Olympic quốc gia Indonesia (NOC) kêu gọi Hiệp hội bóng đá nước này (PSSI) báo cáo sự việc lên FIFA để phối hợp xử lý, đồng thời cảnh báo đội U-22 Indonesia phải sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.[59]

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) bày tỏ sự thất vọng về vụ ẩu đả xảy ra ở trận chung kết SEA Games 32 và cho rằng điều đó đi ngược với tinh thần fair-play của bóng đá. Dù không có án phạt tước huy chương nào, cơ quan này đã phạt tiền và treo giò các cầu thủ, thành viên ban huấn luyện tham gia vụ việc.[60] 3 cầu thủ và 4 thành viên ban huấn luyện Indonesia đã bị cấm thi đấu và làm nhiệm vụ 6 trận, trong khi án phạt tương tự được dành cho 5 quan chức và 2 cầu thủ bên phía Thái Lan. Ngoài ra, FAT còn phải nộp phạt 10.000 USD vì vụ loạn đả trên.[61]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chung_kết_môn_Bóng_đá_tại_Đại_hội_Thể_thao_Đông_Nam_Á_2023_–_Nam https://www.bola.net/tim_nasional/man-of-the-match... https://www.skor.id/post/skor-stats-rating-pemain-... https://thethao.sggp.org.vn/share689951.html https://thethao247.vn/sea-games/432-bao-chau-a-vin... https://thanhnien.vn/bong-da-indonesia-troi-day-sa... https://zingnews.vn/zingnews-post1431847.html https://laodong.vn/the-thao/nhan-dinh-u22-indonesi... https://tienphong.vn/post-1534662.tpo http://baohagiang.vn/the-thao-giai-tri/202305/ha-t... https://vietnamnet.vn/ket-qua-chung-ket-sea-games-...